Toàn bộ Phạm hạnh là thiện bạn hữu (Kalyanamitta)

2.II. Một Nửa (Upaddham) (S.v,1)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Sakkara.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng , thiện thân tình.

3) — Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ananda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ananda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.

4) Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập chánh tư duy… tu tập chánh ngữ… tu tập chánh nghiệp… tu tập chánh mạng… tu tập chánh tinh tấn… tu tập chánh niệm… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ananda, là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

5) Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. 

Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ananda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ananda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.

Đi thiền hành

Đi chỉ là đi

Từng bước ta đã tới

Từng bước đi, ta để lại mọi níu kéo lại sau lưng

Từng bước chậm rãi, tự tin và buông xả

CẢM NHẬN VÀ TRI ÂN

Khi bắt đầu, để trái tim mở lòng cảm nhận không gian xung quanh, cảm nhận trái tim cảm ơn đến con đường ta đi, đến nhân duyên xung quanh hỗ trợ ta sự thực hành. Chân thành  tri ân đến Phật, Pháp và Tăng. Sư đứng với sự hay biết trọn vẹn từng giây phút,  đứng với trái tim mở rộng, chân thành và nhẹ nhàng. Từng đợt sóng của sự hỷ lạc lan toả rung động toàn thân, tạo điều kiện cho thân càng được thả lỏng, nhẹ nhàng. 

NIỀM VUI

Tâm cảm thấy rất vui khi được bước đi, tiếp xúc với đất, rồi từng bước tự nhiên và thả lỏng. Chẳng cố đi để hoàn thành trách nhiệm, chẳng cố đi để được khen, chẳng cố để quan sát, mà chỉ đơn giản tập thả lỏng và cảm nhận từng bước chân tự nhiên. Chính điều chân thành đó, giúp tâm nhu nhuyến, nhẹ nhàng để quan sát những gì sanh khởi khi đi một cách chân thực nhất. 

BƯỚC ĐI

Khi bước đi, sư chọn một đoạn đường đi vừa đủ, tầm 8-10 bước chân, đoạn đường nên bằng phẳng, thẳng và thoáng. Trong 5-10 phút đầu, sư để cho bước chân đi thoải mái như vậy, không quá nhanh, không quá chậm chỉ đơn giản là “ THẢ LỎNG” “ VỮNG CHÃI” trong từng bước đi.

Oai nghi đi cũng rất quan trọng, làm sao mà lưng thẳng, cổ thẳng, vai thả lỏng, tay thả lỏng và gương mặt cũng thả lỏng. Toàn thân thả lỏng với tư thể tay thích hợp trong khi đi.

Do thường xuyên thực hành thiền hơi thở, nên hơi thở cũng có sự thả lỏng trong từng bước chân. 

Sau 5-10 phút bước đi thả lỏng, dần dần sự quan sát nơi bước chân càng trở nên sát sao hơn, tự nhiên hơn. 

ĐỐI TƯỢNG

Đối tượng quan sát khi đi là “ CHUYỂN ĐỘNG NƠI TỪNG BƯỚC CHÂN” (từ mắt cá chân xuống lòng bàn chân) từ lúc nó bắt đầu dở lên, bước tới và đặt xuống. Khi chân trái bước, tâm “ HAY BIẾT” “ CẢM NHẬN” từ lúc nó dở, bước tới và đặt xuống. Tương tự như vậy với chân phải. 

Các cảm thọ sanh khởi trong quá trình chuyển động, tiếp xúc, chỉ ghi nhận nhưng không đặt nặng. Chỉ đơn giản quay về từng sự “ CHUYỂN ĐỘNG NƠI BÀN CHÂN”.  Các cảm giác nơi thân hay tâm dù là nhẹ nhàng hay nặng nề, dù là đau hay khinh an…bất kỳ cảm giác nào chỉ đơn giản hay biết và quay về “ SỰ CHUYỂN ĐỘNG NƠI BÀN CHÂN”. 

Sự suy nghĩ, phóng tâm, tưởng, phản ứng hay bất kỳ hiện tượng nào…chỉ cảm nhận, hay biết với tâm thả lỏng, rồi quay về “ SỰ CHUYỂN ĐỘNG NƠI BÀN CHÂN”

Thái độ quan sát này, cũng tương tự như khi ta thực hành thiền hơi thở. Chỉ đơn giản quan sát từng sự chuyển động “ TỰ NHIÊN” yếu tố gió của hơi thở vào, từng hơi thở ra tiếp xúc nơi vùng mũi, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, “ TRỌN VẸN VỚI TỪNG HƠI THỞ”

DỪNG LẠI

Khi đến cuối đoạn đường, ta hay biết muốn dừng, ghi nhận và trọn vẹn với sự “DỪNG“. Cảm nhận oai nghi “ ĐỨNG” với sự thả lỏng và vững chãi.

XOAY

Khi muốn xoay, ta hay biết và theo dõi sát xao sự chuyển động của bàn chân khi xoay. Ta cũng chẳng vội vàng bước ngay, nên có sự dừng lại hoàn toàn, vững chãi. 

BƯỚC TIẾP

Bước tiếp với từng bước chánh niệm sát xao chuyển động của bàn chân khi trái bước, phải bước.

SỰ CHẬM LẠI

Sự chậm lại của từng bước chân tự nhiên do TÂM càng trở nên định tĩnh, bình an. Tâm có xu hướng trở nên “ Sáng suốt và rõ ràng” chỉ thấy đối tượng thay đổi mà không thấy có ai trong đó.

NỔ LỰC THẢ LỎNG, CHÁNH NIỆM và BUÔNG XẢ trong từng bước chân, tâm càng trở nên ĐỊNH TĨNH. 

Hãy bắt đầu, đừng chần chừ. 

Bạn có đang đi không?

Hãy thực hành kinh hành ở ngay đó.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Ngồi thiền

Những lời hướng dẫn hành thiền cho người mới bắt đầu tuy nhiên đối với những người hành thiền đã lâu cũng tìm thấy lợi ích trong lời chia sẻ. Mọi thứ bắt đầu được xây dựng bởi nền tảng căn bản, sự thành công phụ thuộc vào công phu của các bạn từng ngày, từng ngày, từng chút từng chút một. Do đó hãy tận dụng bất cứ khoảng thời gian trống nào của mình để dành cho việc ý nghĩa nhất để thanh lọc thân, tâm và trái tim mình.

Chuỗi chia sẻ Pháp “Lõi cây- Trái tim thiền tập”

Chuỗi chia sẻ Pháp “ Lõi cây – Trái tim thiền tập” để khích lệ mỗi người luôn quay về bên trong, tìm về lõi cây như tìm về trái tim thiền tập của mình, chính trong đời sống hàng ngày của mình.

Các buổi chia sẻ được các quý sư tu tập giàu kinh nghiệm đã trải qua huấn luyện ở trường thiền quốc tế bên Miến Điện

Thời gian: Sáng Chủ Nhật hàng tuần, từ 8h-10h.

Hình thức: Chia sẻ online qua Facebook.

Cần sự hỗ trợ liên hệ : Sư cô Thanh Tiên( 0923196269), Cư sĩ Tuệ Đức ( 0384333087)

* Vì số lượng tham gia có hạn nên các Phật tử đủ nhân duyên sẽ có điều kiện tham dự trước. Các vị còn lại sẽ chờ dịp khác. Mong mọi người thông cảm.

Chân thành cảm ơn.

Lõi cây – Trái tim thiền tập

Này các Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây.

Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện”.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây một Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong khổ đau, bị chi phối bởi khổ đau. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật. Vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy do thành tựu giới đức này hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy, không do thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì thành tựu tri kiến này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu được phi thời gian giải thoát. Này chư Tỷ-kheo, sự tình này không thể xảy ra, Tỷ-kheo ấy có thể từ bỏ phi thời gian giải thoát ấy.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Trích Trung Bộ Kinh – Đại kinh Thí dụ Lõi cây

Trên tinh thần tu tập những lời dạy ấy của Đức Phật, Đức Phật khích lệ những người đệ tử của mình luôn khiêm nhường, khiêm cung, không khen mình chê người, không thoả mãn với những gì mình đạt được trên con đường Pháp, để không mắc kẹt, không dễ duôi mà thấy rõ sự nguy hiểm của dục lạc, danh vọng, tự mãn mà vị ấy không nắm được lõi cây của giáo Pháp.

Chuỗi chia sẻ Pháp “ Lõi cây – Trái tim thiền tập” để khích lệ mỗi người luôn quay về bên trong, tìm về lõi cây như tìm về trái tim thiền tập của mình, chính trong đời sống hàng ngày của mình.

Mong rằng mỗi người luôn tìm thấy sự nương tựa châu toàn- Phật, Pháp, Tăng ngay trong chính trái tim của mình.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

🌻❤️🌻❤️🌻❤️🌻